Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, con đường nối rừng với biển, tuyến đường mà ban đầu tưởng chỉ có trong mơ của nhiều người dân Đắk Lắk, nay đang thành hình.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, khi mới đề xuất triển khai, rất nhiều người hoài nghi về tính khả thi của dự án lên đến gần 22.000 tỷ đồng, gấp 3 lần thu ngân sách một năm của tỉnh. Thế rồi, khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tháng 6/2022 và đúng một năm sau được khởi công, cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội địa phương.
Từ lợi thế đường cao tốc đi qua Krông Pắk với trên 34km, với 4 điểm đấu nối, huyện đã đưa vào quy hoạch các cụm công nghiệp, các cụm logistics, các khu vực để kêu gọi các nhà đầu tư và đã được tỉnh phê duyệt, đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, hàng loạt nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào huyện.
Ông Trần Hồng Tiến thông tin: “Đã có hơn 11.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Krông Pắk. Riêng năm nay, 4 dự án trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nhà máy chế biến hoa quả với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng sẽ khởi công trên địa bàn huyện. Đây tín hiệu kinh tế rất tích cực".
Đến thời điểm này, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên khởi công xây dựng cao tốc theo đúng nghĩa kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 - 100km/giờ, dự kiến hoàn thành vào cuối 2025. Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ lúc bắt đầu triển khai đến nay, dự án đang cho thấy những tín hiệu kinh tế tích cực; địa phương đã và chuẩn bị đón nhiều tổng công ty, tập đoàn, nhà đầu tư tìm đến đặt vấn đề hợp tác.
“Dòng vốn đang hội tụ về Đắk Lắk. Nhiều Tổng công ty, tập đoàn đến Đắk Lắk để nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn, quyết định đầu tư", ông Võ Ngọc Tuyên cho biết.
Với tỉnh Đắk Nông, dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đang được Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, đã góp phần mở đường hút các nhà đầu tư vào địa phương.
Cuối tháng 3 vừa qua, Đắk Nông đã trao giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh ký kết ghi nhớ hợp tác với 4 nhà đầu tư, tổng số vốn đăng ký 8,4 tỷ USD (tương đương hơn 213.000 tỷ đồng). Gần một nửa số vốn đó là từ Tập đoàn TH với kế hoạch xây dựng một thủ phủ chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp, cùng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và mở rộng đầu tư các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo.
Anh hùng lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho biết, Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã dần hội đủ các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn: “Yếu tố thứ nhất để thành công đó là năng lực quản trị của nhà đầu tư. Yếu tố thứ hai là thực chất nguồn lực của ngành đó tại địa phương ở cấp độ nào, mình phải đi trên lợi thế của vùng đó chứ không phải không có mà cố đem về. Và phát triển thì phải có vùng logistics để chế biến sâu và phát triển. Yếu tố thứ 3 là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu rất quan trọng. Đủ 3 yếu tố đó thì chắc chắn dự án sẽ thành công”.
Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5 tuyến cao tốc dài 565km quan trọng gồm: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Tây đoạn Ngọc Hồi - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa dài 355km. Các tuyến cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc- Nam phía Tây, đoạn Ngọc Hồi - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa được đầu tư sẽ là “mạch máu”, "xương sống" của vùng Tây Nguyên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần chung tay với Chính phủ để tính toán nguồn vốn để đầu tư cao tốc cho Tây NguyênTại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc đầu tư hạ tầng chiến lược giao thông ở Tây Nguyên là để tăng cường kết nối nội vùng và liên vùng. Qua đó, tạo không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, nâng cao giá trị gia tăng của đất... Tuy nhiên, các địa phương không thể chỉ trông chờ Trung ương mà phải chủ động nguồn lực và huy động các nguồn lực từ nhà đầu tư, có như vậy các tuyến cao tốc qua Tây Nguyên mới có thể sớm đầu tư.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (bên phải) đang nghe giới thiệu về dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk NôngThủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nguồn lực lấy ở đâu, vấn đề đầu tiên và tiền đâu? Bây giờ có mấy phương thức: Một là đầu tư công, hai là của các nhà đầu tư, thứ ba là hợp tác công tư. Cứ trông chờ vào mỗi đầu tư công thì chỉ có thế thôi, thì phải nhiều nguồn lực, bao gồm nguồn lực Nhà nước (Nhà nước thì bao gồm Trung ương và địa phương) chung tay vào làm, chứ không thì chỉ mình địa phương thì không được, chỉ mình Trung ương thì không có. Rồi phải đẩy mạnh hợp tác công tư theo Luật đã ban hành, rồi thu hút đầu tư nước ngoài thì phải tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng”.
Tây Nguyên đang khát khao cao tốc để tăng tốc phát triển. Thế nhưng, khát khao thôi là chưa đủ!
Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, tập trung làm cao tốc vấn đề là huy động các nguồn lực như thế nào. 11 tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã cùng đề xuất Trung ương xem xét sớm đầu tư các tuyến cao tốc trước năm 2030. Nhưng các tỉnh cũng phải chủ động cùng nhau có các giải pháp huy động nguồn lực để chia sẻ áp lực nguồn vốn với Chính phủ. Có như vậy, 8 tuyến cao tốc, chiều dài hơn 830km đã quy hoạch mới sớm được xây dựng. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giúp Tây Nguyên sớm thoát cảnh “vùng trũng” kinh tế, phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn