Ngăn tai nạn giao thông từ thói quen sang đường ẩu

Thứ tư - 27/03/2024 23:31
Thời gian qua xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm do người đi bộ sang đường bất cẩn. Vậy cách nào để thay đổi thói quen này?

Thời gian qua xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm do người đi bộ sang đường bất cẩn. Vậy cách nào để thay đổi thói quen này?

Sang đường bất chấp quy tắc giao thông

Ngày 24/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên các tuyến đường ở Hà Nội như: Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Phạm Hùng… chỉ trong một giờ, có hàng chục người đi bộ sang đường vi phạm quy tắc giao thông dù vạch kẻ đường ưu tiên và cầu vượt bộ hành cách đó chỉ chừng chục mét.

1

Dù có cầu vượt bộ hành ngay phía sau nhưng người dân vẫn giữ thói quen sang đường tuỳ tiện, mất ATGT.

Tại tuyến đường Trịnh Văn Bô, giờ tan học mỗi ngày lại trở thành nỗi ám ảnh với cánh tài xế vì tình trạng học sinh qua đường ẩu.

Chị Phạm Thị Mai (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết, có hôm chị lái xe chở con đi học về, chiếc xe máy đi phía trước vì tránh học sinh sang đường, bất ngờ phanh gấp làm cả người cả xe ngã ra đường. "Nếu tôi không chú ý quan sát và xử lý nhanh, có lẽ ô tô đã cán qua người nam thanh niên đi xe máy", chị kể.

Thực tế, không ít vụ TNGT đã xảy ra, nguyên nhân là do người đi bộ giữ thói quen sang đường tuỳ tiện. Mới đây nhất, khoảng 5h30 ngày 23/3, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ TNGT do một phụ nữ sang đường vào đúng "điểm mù" xe tải dẫn đến bị cán tử vong tại chỗ.

Trước đó, tại Hà Nội, trưa 14/12/2023 xảy ra vụ TNGT khiến một học sinh bị thương nặng do đi bộ sang đường Trịnh Văn Bô tại vị trí không có vạch kẻ ưu tiên, dẫn đến bị ô tô đâm trúng.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia năm 2023, trong số 21.880 vụ TNGT xảy ra, có 1,71% (khoảng 374 vụ) do người đi bộ qua đường không đúng quy định.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT, việc xử phạt đối với hành vi đi bộ không đúng quy định đã có nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống. Xử lý chưa nghiêm khiến nhiều người vẫn bất chấp.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình kiểm tra, xử lý người đi bộ vi phạm, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi họ viện đủ lý do để né tránh như quên không mang CCCD, không có giấy tờ tuỳ thân và không có tiền để nộp phạt. Nhiều trường hợp ngoan cố không chấp hành, ý thức chưa tốt, khi bị xử lý lại lấy lý do vì mưu sinh để "xin xỏ".

Cũng theo thiếu tá Chinh, hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi bộ sang đường không đúng quy định còn thấp nên chưa tạo được tính răn đe.

Xử nghiêm vi phạm người dân mới chấp hành

Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, những trường hợp lấy lý do không có giấy tờ, không có tiền nộp phạt, cần áp dụng thêm chế tài tạm giữ tại công an phường cho đến khi thực hiện xong nộp phạt.

2

Hiện trường người phụ nữ sang đường vào đúng điểm mù xe tải dẫn đến bị cán tử vong tại Đắk Lắk ngày 23/3.

"Cần làm nghiêm người dân mới có ý thức chấp hành. Hàng năm cũng cần công khai số liệu xử lý vi phạm giao thông của người đi bộ, các phiên tòa xét xử vụ án TNGT do người đi bộ gây ra nhằm tuyên truyền, tạo tính răn đe", TS Bình nêu quan điểm.

Dẫn kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, bố trí không gian đi bộ và các vị trí sang đường cho người đi bộ là một yêu cầu quan trọng khi xây dựng các tuyến đường. Việc nhường đường cho người đi bộ cũng là nguyên tắc quan trọng khi điều khiển phương tiện, được lưu ý trong quá trình dạy và học bằng lái xe.

"Một người lái xe nếu không nhường đường cho người đi bộ tại Pháp hay Đức có thể bị đánh trượt hoặc coi như không đủ điều kiện tham gia thi lấy bằng lái xe. Cách thức này cũng nên được xem xét áp dụng tại Việt Nam", ông Hiếu nói.

Ở Việt Nam, trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất quy định đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải ưu tiên bố trí hè phố, làn đường dành riêng cho phương tiện thô sơ, người đi bộ và người khuyết tật trong nội thành, nội thị.

Tại dự thảo Luật trật tự ATGT, Bộ Công an cũng đề xuất quy định: Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để đảm bảo an toàn khi đi bộ sang đường, tại những khu vực chưa có biển báo, thiếu vạch kẻ đường, chưa có hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ, khi qua đường người đi bộ phải tập trung quan sát, chỉ khi nào có đủ điều kiện an toàn mới được qua đường.

"Trường hợp tham gia giao thông trong điều kiện chiếu sáng kém, người đi bộ nên dùng các thiết bị phản quang để người lái xe trên đường có thể nhận biết được người đi bộ từ khoảng cách xa, giúp cho người đi bộ di chuyển an toàn", ông Minh khuyến cáo.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo quy định tại Nghị định 100, mức phạt cho người đi bộ không đúng quy định là từ 60 - 100 nghìn đồng; nếu người đi bộ đi vào cao tốc, mức phạt từ 100 – 200 nghìn đồng. "Thực tế đây là mức phạt quá nhẹ, cần tăng nặng hơn nữa và nhất là lực lượng chức năng cần xử lý thường xuyên, liên tục", luật sư Bình nói.

Yến Chi

 
 

Nguồn tin: atgt.baogiaothong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây