Loại trừ cái xấu
Thực trạng ngang nhiên vi phạm an toàn giao thông xảy ra đã lâu, báo chí cũng đã lên tiếng nhiều nhưng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức tự giác còn kém, văn hóa giao thông dường như là một khái niệm xa lạ, khó với tới đối với họ. Từ việc vô tư phóng nhanh, vượt ẩu; sử dụng đèn xi-nhan không hợp lý; nhấn còi xe không cần thiết lúc kẹt xe, tắc đường; vượt đèn vàng, đèn đỏ; lấn làn, giành đường; lạng lách; leo vỉa hè; đi ngược chiều; uống rượu bia mà vẫn lái xe... đến việc dùng lời lẽ xúc phạm, đánh nhau sau các vụ va chạm giao thông.
Tham gia giao thông là hành vi luôn liên đới đến nhiều người. Vì vậy, mỗi người không thể chỉ quan tâm đến lợi ích, mục tiêu của bản thân mà cũng phải tôn trọng và có biện pháp giữ gìn an toàn cho những người khác. Mỗi cá nhân nên trang bị những kiến thức cần có để tham gia giao thông đúng luật, an toàn và văn minh.
Khi nhận thức cụ thể, chuẩn xác sẽ giúp mỗi người bình tĩnh, nhẫn nại và có sự quan sát thấu đáo; phân biệt các hành vi xấu để tránh xa. Cao hơn nữa là không dễ dàng thỏa hiệp, nhắm mắt cho qua mà mạnh dạn lên tiếng phê phán cái chưa hay, chưa đẹp; đấu tranh và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để có giải pháp thích đáng với người vi phạm, nhằm đem lại sự an toàn, bình yên cho cộng đồng.
Một khi văn hóa giao thông càng được nâng cao thì những hành vi sai trái sẽ ngày càng thu hẹp, những tác động xấu do quá trình thiếu văn hóa giao thông sẽ giảm dần.
Vô tư leo vỉa hè đi ngược chiều sau khi rẽ từ đường Nguyễn Thị Minh Khai vào Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM)Ảnh: Ý Linh
Chuyện không của riêng ai
Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện, cho con người, vì con người.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc quản lý, bám sát địa bàn, chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông. Những người thi hành công vụ phải nêu gương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; không sách nhiễu hoặc tiêu cực; tận tình giúp đỡ người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Mỗi công dân tham gia giao thông cũng cần chung tay góp phần xây dựng và phát huy lối sống đẹp, thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với mỗi hành động và lựa chọn của mình, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tối đa tai nạn giao thông và các hành vi gây ảnh hưởng đến người khác. Hành vi thể hiện văn hóa giao thông cần được đề cao trong ý thức tự giác của mỗi người. Việc giáo dục văn hóa giao thông cần được tiến hành từ gốc rễ trong chính gia đình và nhà trường.
Một điều cần lưu ý là thúc đẩy việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ đối với người tham gia giao thông mà là tất cả mọi người trong hệ thống, từ người làm quản lý, xây dựng hạ tầng, bảo trì bảo dưỡng, tuần tra kiểm soát... đến những người dân sinh sống trên địa bàn.
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn