Hiệu quả từ phạt nguội xe quá tải

Thứ ba - 21/03/2023 04:40
Việc phạt nguội xe quá tải loại bỏ được tình trạng lái xe chống đối, đóng cửa bỏ đi khiến quá trình xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Việc phạt nguội xe quá tải loại bỏ được tình trạng lái xe chống đối, đóng cửa bỏ đi khiến quá trình xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn.


Tới đây, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm dùng cân tải trọng tự động để xử phạt nguội xe chở quá tải. Lực lượng chức năng có thể căn cứ vào dữ liệu cân tự động để xử phạt, kể cả trường hợp phương tiện, người lái xe, chủ xe không có mặt ở hiện trường.

Vì sao kiến nghị phạt nguội?

img bgt 2021 kiem tra 1679323313 width1280height714

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP.HCM kiểm tra một trường hợp xe quá tải trên đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Loan

Từ năm 2016, TP.HCM đã lắp đặt 3 trạm cân tự động tại cầu Giồng Ông Tố trên đường Đồng Văn Cống (quận 2); cầu Kỳ Hà 1 trên đường Vành Đai Đông (Thủ Đức) và cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) để kiểm tra xe quá tải ra vào TP. Tổng kinh phí lắp đặt 3 trạm cân này là hơn 28 tỷ đồng. Năm 2017, thành phố tiếp tục lắp thêm một trạm cân tự động ở Trạm thu phí An Sương - An Lạc.

“ Hiệp hội ủng hộ thành phố sử dụng trạm cân tự động để xử phạt xe quá tải trọng. Tuy nhiên, hiện nay Sở GTVT mới đề xuất áp dụng 2 vị trí là cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương - An Lạc là chưa đủ. Tới đây, nên áp dụng ít nhất tại 4 vị trí ở cửa ngõ thành phố mới tạm đủ để xử phạt xe quá tải. Sau thí điểm, đạt hiệu quả, thành phố nên nhân rộng ở nhiều vị trí khác.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM 

Các trạm cân tự động trên cầu Giồng Ông Tố, Kỳ Hà 1 là những trạm cân 2 cấp, phải cân lại mới xác định chính xác xe quá tải trọng bao nhiêu rồi mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, từ tháng 11/2020 đến nay, các trạm cân tự động tại cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương - An Lạc đã được Bộ GTVT đồng ý cho triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình một cấp cân.

Tức là khi hệ thống phát hiện xe quá tải, lực lượng chức năng sử dụng các thông số tại trạm cân này để xử lý tài xế, phương tiện mà không cần phải dùng cân để cân lại.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm cũng phải có tổ thanh tra túc trực tại điểm cân để xử lý trực tiếp.

Thời điểm mới thành lập, trạm cân có sự phối hợp của TTGT, CSGT và Thanh niên xung phong. Năm 2017, các lực lượng đều ngừng phối hợp, chỉ còn TTGT và cán bộ kỹ thuật.

Một ca trực của TTGT gồm 3 cán bộ, túc trực suốt 24/24h. Tuy vậy, lực lượng TTGT gặp nhiều khó khăn, như việc phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân...

Những lúc như vậy, TTGT không thể xử lý được mà phải nhờ đến CSGT, thậm chí là công an địa phương hỗ trợ.

Ngoài ra, với đặc thù của TP.HCM, đa số các tuyến đường trong đô thị có mặt cắt ngang nhỏ nên việc bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra tải trọng trên đường là rất khó khăn. Có những thời điểm ùn tắc, nhiều trường hợp hệ thống cân sơ cấp đã báo hiệu có dấu hiệu vi phạm nhưng lực lượng chức năng không thể dừng xe, yêu cầu thực hiện bước cân thứ cấp.

Đây chính là lý do để Sở GTVT TP.HCM triển khai thí điểm dùng cân tải trọng tự động để xử phạt nguội.

Chờ chấp thuận sẽ triển khai 2 vị trí

img bgt 2021 1 1679323385 width1280height960Chiếc xe tải biển số 63H-034.22 của HTX Vận tải Tân Phước chở quá tải 92% bị trạm cân tự động trên cầu Ông Lớn phát hiện. Phải đến khi CSGT xuất hiện thì tài xế mới chấp hành ký biên bản. Ảnh: Đỗ Loan

Ông Lê Văn Thường, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi UBND TP.HCM có kiến nghị, Bộ GTVT đã chấp thuận để thành phố thí điểm việc xử phạt nguội xe quá tải tại các trạm cân tự động ở 2 trạm cân trên cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương.

Theo đó, khi phương tiện đi qua, cân phát hiện xe quá tải sẽ truyền dữ liệu về cho lực lượng TTGT, trên cơ sở đó cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt luôn, không cần dừng xe, không chờ sự phối hợp của tài xế.

Các trạm cân sử dụng công nghệ cảm biến thạch anh, đặt trên đường, trên các mặt cầu. Các thiết bị cân tải trọng yêu cầu đáp ứng đầy đủ các quy định về độ chính xác (sai số nhỏ hơn hoặc bằng 5%), tính pháp lý của thiết bị cân (đã được Viện Đo lường Việt Nam kiểm định), giống với các trạm cân do Cục Đường bộ VN đã triển khai thí điểm trên QL5 (cảm biến lực Load Cell).

Theo ông Thường, do xử phạt nguội nên phương án chủ yếu nhắm vào đối tượng chủ xe. Trường hợp xác định được người điều khiển phương tiện không phải là chủ phương tiện thì xử phạt thêm đối tượng là người điều khiển phương tiện. Đáng lưu ý, đối với hình thức phạt nguội, không yêu cầu hạ phần hàng quá tải tại nơi phát hiện vi phạm.

“Hiện, kiến nghị đã được Bộ GTVT chấp thuận, chỉ chờ UBND thành phố chấp thuận là áp dụng được tại 2 trạm cân cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương”, ông Thường nói và cho biết về lâu dài kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng xử phạt nguội hoàn toàn tự động như các nước phát triển, không cần thực hiện bước xác minh hành vi vi phạm.

Sẽ nhân rộng trên cả nước

Theo ông Trần Đức Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN, ban đầu, các trạm cân của TP.HCM được đầu tư là hệ thống cân sơ cấp.

Trong năm 2022, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện 469 phương tiện chở quá tải và lập biên bản 934 trường hợp với tổng số tiền xử phạt trên 30 tỷ đồng. Trong quý I/2023, Thanh tra Sở đã kiểm tra, phát hiện 41 phương tiện chở quá tải, lập biên bản 82 trường hợp với tổng số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng.

Còn tính từ 10/2 đến 10/3/2023, trạm cân tự động trên cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh đã phát hiện 26 trường hợp xe vi phạm chở quá tải, lập biên bản và xử phạt lái xe, chủ phương tiện tổng số tiền 1,5 tỷ đồng.

Theo quy định, phải có thêm hệ thống cân thứ cấp mới xử phạt được (kiểm tra lại bằng hệ thống cân khác để biết chính xác xe đó vi phạm quá tải ở mức bao nhiêu).

Sau khi hệ thống cân sơ cấp của thành phố đưa vào hoạt động, đơn vị quản lý nhận thấy độ chính xác của hệ thống cân sơ cấp đạt yêu cầu so với quy định.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM mong muốn sử dụng luôn dữ liệu của hệ thống cân này để xử phạt nguội mà không cần đến cân thứ cấp.

“Bộ GTVT đã có công văn hướng dẫn Sở GTVT TP.HCM sử dụng dữ liệu trạm cân để xử phạt nguội.

Các bộ thiết bị cân tự động sau khi đầu tư được nghiệm thu, đủ điều kiện đi vào hoạt động. Dữ liệu được trích xuất đã đủ điều kiện dùng để xử phạt nguội xe quá tải theo Nghị định 135 và Thông tư 51 của Bộ GTVT”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, hiện nay, việc áp dụng xử phạt nguội xe quá tải mới được triển khai áp dụng trên QL5, với việc đưa bộ cân tự động do Jica tài trợ vào hoạt động.

Sau gần 3 năm thí điểm (từ ngày 15/8/2020), tổng số xe cân kiểm tra lên tới hơn 495.000 lượt. Trong đó, chỉ có gần 600 lượt xe vi phạm. Số lượt xe vi phạm bình quân trên ngày đã giảm từ 176 lượt xe xuống còn 1,5 lượt xe, giảm hơn 117 lần.

Phần mềm cân xe tự động cho phép hệ thống cân hoạt động tự động hoàn toàn, không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người, giám sát được 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường và cho ra kết quả cân rất nhanh, chỉ từ 3 - 15 giây. Hình ảnh xe vi phạm sẽ được gửi về Cục Đường bộ VN, sau đó sẽ gửi thông báo cho chủ phương tiện để xử phạt nguội.

“Việc phạt nguội loại bỏ được tình trạng lái xe chống đối, đóng cửa bỏ đi khiến quá trình xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Việc thí điểm trên QL5 đã đem lại hiệu quả tích cực. Cục Đường bộ VN đang lập đề án nhân rộng hệ thống cân tự động trên cả nước, vừa giúp giảm bớt tiêu cực, vừa giúp lực lượng chức năng bớt phải căng mình xử lý như hiện nay”, ông Trung cho hay.

Cao tốc có trạm cân tự động, vì sao chưa phạt nguội?

Ông Vũ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho hay, tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã lắp đặt hệ thống cân tự động theo công nghệ cảm biến thạch anh 1 cấp cân. Xe đi qua trạm, khi phát hiện xe quá tải, dữ liệu sẽ được truyền ngay về trung tâm. Khi phát hiện xe vi phạm, đơn vị yêu cầu xe đi ra khỏi đường cao tốc ở lối ra cho xe quá tải.

Lý giải vì sao dữ liệu chưa được chuyển cho lực lượng chức năng xử phạt nguội xe quá tải, ông Thành cho biết, lực lượng CSGT và TTGT có thiết bị cân riêng để kiểm soát xe quá tải. Lực lượng chức năng cho biết, do thiết bị cân của VIDIFI chưa được kiểm định nên dữ liệu không được dùng để xử phạt.

“Khi phát hiện xe quá tải, VIDIFI chỉ từ chối phục vụ phương tiện vi phạm và chỉ gửi dữ liệu có tính chất cảnh báo cho các đơn vị quản lý tuyến đường khác. Nếu Bộ Công an cho phép sử dụng dữ liệu này để xử phạt sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn trong kiểm soát xe quá tải”, ông Thành nói.

Đồng Nai: Hạn chế xe quá tải nhờ cân tự động tại mỏ vật liệu

Để xử lý xe quá tải, năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu Ban ATGT tỉnh nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu và quản lý tải trọng vận chuyển ngay tại các mỏ vật liệu trên địa bàn. Đến tháng 9/2017, phần mềm truyền nhận dữ liệu giám sát tải trọng tại các mỏ đá đi vào hoạt động.

Tại các mỏ đá được lắp camera và cân tự động, khi các phương tiện vào bốc xếp hàng hóa, toàn bộ dữ liệu hình ảnh sẽ được truyền về các trung tâm giám sát tại Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh và TTGT. Khi phát hiện các điểm có xe chở hàng quá tải qua đường truyền dữ liệu, các đơn vị chức năng sẽ cử lực lượng đến xử lý trực tiếp hoặc phạt nguội.

Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, đến nay có 32/32 mỏ đá với 43/43 trạm cân được lắp đặt để giám sát ngay tại các mỏ. Tình trạng phương tiện vận chuyển vật liệu quá tải trọng được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn so với thời gian trước.

Vĩnh Phú

Nguồn tin: atgt.baogiaothong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây