Sau khi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp (xe công nông), tỉnh Gia Lai đã đồng bộ các giải pháp và đã kiềm chế tai nạn do phương tiện này gây ra.
Rốt ráo xử lý xe công nông chở người tham gia giao thông
Tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 37.700 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Với địa hình miền núi phức tạp, mật độ giao thông nông thôn thấp nên các phương tiện trên ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự an toàn giao thông (ATGT), có nguy cơ xảy ra tai nạn ở mức cao.
CSGT huyện Đắk Đoa (Gia Lai) xử lý một trường hợp người dân dùng xe công nông chở người tham gia giao thông.
Thực tế đã có rất nhiều vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện công nông này. Đơn cử như giai đoạn từ năm 2010 - năm 2018 có 163 vụ TNGT (chưa kể va chạm giao thông nhẹ không thống kê) làm 161 người chết và làm 139 người bị thương.
Các vụ TNGT trên xảy ra vào thời điểm đêm tối, các tuyến đường giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ nơi có mật độ xe cộ nhiều. Các xe công nông, máy kéo độ chế không có các hệ thống đèn (đèn trước, đèn sau), phản quang nhận diện.
Đơn cử như vụ TNGT ngày 27/11/2015 trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Ia Khươl huyện Chư Păh (Gia Lai) đã khiến 5 người chết và 9 người khác bị thương; Ngày 6/7/2018, một xe ô tô điều khiển trên đường Trường Sơn Đông đã va chạm vào xe máy kéo (đoạn qua làng Ó, xã An Trung, huyện Kông Chro Gia Lai) khiến 2 người tử vong và 20 người khác bị thương;...
Tháng 4/2019, đoàn công tác Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã có chuyến khảo sát về tình hình ATGT liên quan đến xe công nông, xe máy kéo độ chế trên tuyến đường liên huyện Đắk Đoa - Chư Prông (Gia Lai). Cùng ghi nhận thực tế tình hình tham gia giao thông tại khu vực đồng bào thiểu số và bàn cách để giảm thiểu TNGT do phương tiện này gây ra. Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành công điện kiềm chế TNGT đối với xe công nông.
Một giải pháp tối ưu lúc này là việc hạn chế chở người đằng sau thùng xe, dán phản quang trên thành thùng, bố trí đèn, còi, thắng để dễ dàng phát hiện và nhận diện phương tiện đang lưu thông trên tuyến đường. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát phương tiện tập trung chuyên đề xử lý xe công nông vi phạm khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Thời điểm này, Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai cũng đề ra quy định tăng cường trách nhiệm của CSGT. Theo đó, nếu CSGT nào đang trực ở quốc lộ mà có xe công nông, máy kéo độ chế chở người ngồi sau đang đi ngang qua mà không nhắc nhở, xử lý vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cán bộ chiến sĩ bị phát hiện sẽ bị kỷ luật.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Vinh, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an huyện Đắk Đoa cho biết, lực lượng công an huyện đã thực hiện "quản" phương tiện công nông bằng cách đề nghị phối hợp với công an các xã, thị trấn rà soát tới từng gia đình. Đến nay, công an huyện và đã có thống kê sơ bộ khoảng 5.000 phương tiện.
Lực lượng công an đã đến tận nhà rà soát phương tiện, dán phản quang và dùng sơn đánh số thứ tự theo từng địa phương. Sau đó, công an huyện giao cho chính quyền xã, thôn trưởng kiểm soát; yêu cầu viết cam kết không được phép lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ và không chở người; không chất hàng hoá kềnh càng, quá cao...
"Đặc biệt, lực lượng công an hằng ngày tuần tra kiểm soát khi phát hiện phương tiện tham gia chở người sẽ xử lý nghiêm đồng thời thông báo về địa phương, thôn trưởng để yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Bên cạnh đó, công an huyện đã phát hành văn bản gửi về từng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong khu vực người dân thường xuyên vi phạm", thiếu tá Vinh nói.
Đồng loạt các giải pháp kéo giảm tai nạn
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, sau khi đồng loạt các giải pháp kiềm chế TNGT liên quan đến phương tiện xe công nông, số vụ TNGT liên quan đến phương này có chiều hướng giảm sâu.
Đơn cử như năm 2018 xảy ra 20 vụ TNGT (15 người chết, 15 người bị thương); 2019 có 25 vụ TNGT (20 người chết, 14 người bị thương). Từ 2020 đến nay, số vụ TNGT liên quan đến công nông giảm sâu: cụ thể: 2020 xảy ra 13 vụ (12 người chết, 5 người bị thương) giảm sâu (giảm 8 vụ so với năm 2019). Năm 2021 xảy ra 14 vụ (13 người chết, 6 người bị thương); năm 2022 xảy ra 13 vụ (11 người chết, 4 người bị thương).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 6 vụ liên quan đến xe công nông khiến 4 người chết và 4 người bị thương.
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, thực tế tại địa phương cho thấy phương tiện xe công nông, máy kéo nhỏ, máy phục vụ nông lâm nghiệp đến nay vẫn tham gia giao thông ở nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Các tài xế có GPLX hạng A4 chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 1% so với số lượng phương tiện hiện có trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền tốt, đồng bộ các giải pháp cảnh báo nên số vụ TNGT liên quan đến xe công nông giảm hẳn.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành các cấp, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để tuyên truyền cảnh báo với người dân về nguy cơ gây mất ATGT trên địa bàn tỉnh đã góp phần kéo giảm TNGT liên quan đến phương tiện xe công nông.
“Hiện nay, Sở GTVT và các địa phương, các trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX đang có những hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia học và sát hạch GPLX hạng A4 và các loại GPLX hạng A1. Từ đó, góp phần giảm tai nạn liên quan đến xe máy kéo nhỏ ở nông thôn", ông Hiếu thông tin.
Nguồn tin: atgt.baogiaothong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn