Các “ma men” lưu ý kẻo nhận “án phạt” vi phạm nồng độ cồn

Thứ ba - 31/01/2023 20:43
Một số người vẫn còn thói quen năm mới khai Xuân gặp bạn bè phải cụng ly rượu bia mới vui… nhậu, để rồi sau đó “méo mặt” vì bị dính lỗi xử phạt nồng độ cồn.

Một số người vẫn còn thói quen năm mới khai Xuân gặp bạn bè phải cụng ly rượu bia mới vui… nhậu, để rồi sau đó “méo mặt” vì bị dính lỗi xử phạt nồng độ cồn.

ef24f9cade584ec87df655fa5c095853
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe ô tô trên đường Hoàng Cầu.

CSGT quyết liệt xử lý vi phạm các “thần cồn”

Ngày 27/1 (mùng 6 Tết), Tổ công tác Y4/141 CATP Hà Nội (gồm lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự) làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, ATGT tại đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Điển hình, khoảng hơn 12h, Tổ công tác dừng kiểm tra ô tô BKS 30H-479.XX di chuyển theo hướng Hoàng Cầu - Võ Văn Dũng. Kết quả đo nồng độ cồn, tài xế ô tô BKS 30H-479.XX là ông T.H.L (50 tuổi, trú tại Hà Nội) vi phạm mức dưới 0,25 miligam/lít khí thở.

Khoảng 30 phút sau, Tổ công tác tiếp tục phát hiện nam tài xế ô tô BKS 30H-552.XX là ông N.X.K (42 tuổi, trú tại Hà Nội) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,275 miligam/lít khí thở.

Nam tài xế phân trần có uống rượu từ ngày hôm qua. Tuy nhiên, đến trưa nay lái xe thì bị Tổ công tác dừng kiểm tra và phát hiện có nồng độ cồn. Với lỗi vi phạm của mình, ông K. bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Ngoài 2 trường hợp trên, Tổ công tác phát hiện 2 tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn là ông N.V.L (48 tuổi, trú tại Hà Nội) vi phạm mức dưới 0,25 miligam/lít khí thở và ông T.V.H (63 tuổi, trú tại Hà Nội) vi phạm ở mức 0,267 miligam/lít khí thở.

Theo CA TP Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 440 trường hợp vi phạm, phạt hành chính gần 3 tỷ đồng, tạm giữ 319 phương tiện, 56 bộ giấy tờ, tước 197 giấy phép lái xe. Trong đó, xử lý 318 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Chia sẻ với báo chí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông đang tập trung vào thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023. Trọng tâm của đợt cao điểm này là việc kiểm soát xử lý nghiêm đối với những vi phạm về nồng độ cồn. Đồng thời, Cục cảnh sát giao thông cũng sẽ có các tổ, đoàn đôn đốc việc thực hiện cao điểm này, tập trung vào việc xử lý vi phạm là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông được Bộ Công an đã chỉ ra, như vi phạm về ma túy, tốc độ, chở quá tải, quá khổ và cơi nới thành thùng xe

Bên cạnh việc xử lý đúng theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công an cũng giao lực lượng CSGT ghi lại đơn vị công tác của người vi phạm là công chức, viên chức, Đảng viên, lực lượng vũ trang... để trao đổi với cơ quan, đơn vị, có hình thức xử lý.

Cần có chế tài xử lý hình sự người vi phạm

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cơ quan quản lý cần rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, thậm chí có thể xử lý hình sự, ngay cả khi chưa xảy ra tai nạn.

Là chuyên gia có nhiều trăn trở về hành vi vi phạm nguy hiểm này, tiến sĩ Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ khoảng 36%, cao hơn thế giới (11 - 25%). Con số này bao gồm cả nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân gián tiếp có liên quan đến nồng độ cồn.

Đề ra giải pháp, nữ tiến sĩ cho rằng cần đa dạng hình thức xử phạt để tăng tính răn đe. Trong đó, cần những quy định xử phạt cho mức trên 0,4 mg/l khí thở và chia cụ thể thành từng khung như: 0,4-0,8 mg/l khí thở, 0,8-1,2 mg/l khí thở và trên 1,2 mg/l khí thở. Không để tình trạng người uống 4 cốc bia cùng mức phạt với người uống 40 cốc.

Mức xử phạt cũng được kiến nghị đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm, tạm giữ xe… “Nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất và cho rằng việc kéo giảm tài xế có nồng độ cồn hiệu quả sẽ giúp giảm 5-15% số vụ tai nạn và người thiệt mạng.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, không thể phủ nhận hiệu quả của Nghị định 100 trong việc kéo giảm vi phạm và tai nạn liên quan đến nồng độ cồn. Đây là hình thức răn đe tỏ ra hiệu quả khi bước đầu người dân đã hình thành thói quen không lái xe khi đã uống bia, rượu. Đồng thời, giai đoạn 2020 - 2022, thống kê về tai nạn đã có chiều hướng giảm sâu.

Tuy nhiên, luật sư Thái cũng dẫn lại vụ lái xe bán tải có nồng độ cồn 1,288 mg/l khí thở (gấp 3,2 lần mức kịch khung) tông chết 3 người ở Đà Nẵng hôm 19/12/2022 và cho rằng việc gom chung người trên 0,4 mg/l khí thở vào một mức phạt như hiện nay là không thuyết phục, thiếu tính răn đe và tiềm ẩn nguy cơ gây nhờn luật. Do vậy, cần có cơ chế xử lý nặng hơn để răn đe, đặc biệt trong bối cảnh Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đã cho phép mức phạt tối đa cho cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên tới 75 triệu đồng.

Luật sư Thái cho rằng, sau một thời gian đánh giá, nếu vi phạm vẫn tiếp tục leo thang cần chuyển hướng sang xử lý hình sự. “Người đi ôtô có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù, họ sẽ sợ ngay”, vị chuyên gia luật cho hay.

Tuy nhiên, theo luật sư Thái, việc điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và tăng mức xử phạt là điều kiện cần. Theo chuyên gia này, điều kiện đủ để xử lý dứt điểm loại vi phạm nguy hiểm này là các giải pháp nâng cao ý thức, tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho từng cá nhân và cộng đồng.

"Ngoài ý thức chấp hành của tài xế, tôi lấy ví dụ các hàng quán ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận thì cần vận động, nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia", luật sư Thái nói và cho rằng nếu hàng quán để để khách hàng đã uống say vẫn lái xe tức là họ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, CSGT toàn quốc xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%). TP HCM, Gia Lai, Hà Nội… là những địa phương dẫn đầu cả nước về xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Thái An

Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây