Hơn 18.000 học sinh THCS trên địa bàn TP.Pleiku (Gia Lai) sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng đạp xe hướng đến mục tiêu một tương lai tốt đẹp…
Ngày 2/12, Ban ATGT tỉnh Gia Lai phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tổ chức lễ phát động chiến dịch “Ngựa sắt yêu thương – Tương lai bừng sáng” trong khuôn khổ Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” Giai đoạn II mở rộng tại TP. Pleiku.
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, chiến dịch xe đạp “Ngựa sắt yêu thương – Tương lai bừng sáng” là một phần của mô hình dự án khu vực trường học an toàn, chương trình Giảm tốc độ – trường học an toàn nhằm hướng đến mục tiêu một tương lai tốt đẹp và khỏe mạnh hơn được dựng xây từ những thay đổi nhỏ.
Đây là chiến dịch phát động lần đầu tại TP. Pleiku nhằm mục tiêu hướng đến thu hút tổng số 18.135 học sinh ở 19 trường trung học cơ sở ở thành phố Pleiku hưởng ứng việc sử dụng phương tiện giao thông bền vững – hướng tới tầm nhìn thành phố xanh và trong lành hơn.
Chiến dịch xe đạp “Ngựa sắt yêu thương – Tương lai bừng sáng” sẽ bao gồm một chuỗi các buổi đào tạo kỹ năng đạp xe an toàn, tháng ‘Vui đạp xe đến trường’, một cuộc thi đạp xe trực tuyến và một sự kiện bế mạc bao gồm giải pháp đô thị chiến thuật nhằm mô phỏng cơ sở hạ tầng an toàn cho xe đạp.
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sáng kiến xanh này đến với thành phố Pleiku. Chúng tôi mong muốn xây dựng Pleiku là một thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn tại Việt Nam. Chiến dịch này đưa chúng tôi tiến gần hơn một bước đến việc phấn đấu để thêm xanh hơn”, ông Trần Đình Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT đại diện Ban ATGT tỉnh Gia Lai kỳ vọng.
Theo Quỹ AIP, chiến dịch xe đạp có mục tiêu hướng đến thu hút tổng số 18.135 học sinh ở 19 trường trung học cơ sở ở thành phố Pleiku hưởng ứng. Quỹ AIP cũng trao tặng 85 chiếc xe đạp cho các em học sinh như lời khích lệ đến các em. Những chiếc xe đạp này được tài trợ bởi Quỹ Botnar, những mạnh thường quân và doanh nghiệp hảo tâm.
Thông qua Dự án, hoạt động tập huấn cho 18.135 học sinh sẽ được tổ chức trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 giúp kiến tạo nhận thức nền tảng về an toàn khi đi xe đạp cho các em. Ngoài ra, chiến dịch còn bao gồm “Tháng vui đạp xe đến trường và cuộc thi Marathon xe đạp để trao quyền cho thanh niên chủ động trong việc nâng cao sức khỏe, tinh thần của mình cũng như cộng đồng nơi các em đang sinh sống.
Mục đích của chương trình “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” là giảm thương vong do va chạm giao thông tại khu vực trường học. Chương trình đã chứng minh rằng hành trình đến trường và về nhà của học sinh trở nên an toàn hơn với việc thực hiện các biện pháp làm dịu giao thông, quy định giảm tốc độ giới hạn trong khu vực trường học, áp dụng phương pháp giáo dục sinh động thông qua giáo trình điện tử và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng kết hợp với việc giới hạn tốc độ mới khi qua các trường học.
Từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2020, Ban ATGT tỉnh Gia Lai và Quỹ AIP đã phối hợp triển khai dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng (đường Lê Duẩn) và Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (đường Tôn Đức Thắng), nhằm giảm thiểu TNGT qua việc cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, các bậc cha mẹ và cộng đồng; làm vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40km/giờ vào khung giờ cao điểm), lắp đặt biển báo tốc độ mới,…
Kết thúc giai đoạn 1, tỉnh đã ban hành quy định chung về biển báo tốc độ tối đa qua khu vực trường học trên địa bàn thành phố Pleiku, xác định tốc độ tối đa cụ thể qua khu vực trường học giờ cao điểm để người lái xe giảm tốc độ. Trong đó, khu vực trường học đường đôi, có dải phân cách, cho phép tốc độ tối đa 40km/giờ; đường hai chiều, không có dải phân cách 30km/giờ, giảm 20km/giờ so với trước.
Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ tháng 7/2020 đến 3/2022 tại 29 trường tiểu học ở thành phố Pleiku và Trường tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh) nhằm nâng cao ý thức của học sinh và cộng đồng, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho thành phố Pleiku, tổng kinh phí thực hiện qua các giai đoạn chưa tới 12 tỷ đồng.
Dự án tiếp tục chú trọng giảm tỷ lệ thương vong của học sinh thông qua việc lắp đặt và xây dựng mới vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ, vỉa hè, lan can inox để tách lối đi bộ và khu vực đậu xe cho cha mẹ học sinh cũng như các biển báo giới hạn tốc độ mới và khu vực trường học, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho thành phố Pleiku.
TP. Pleiku là thành phố đầu tiên trên cả nước áp dụng các biện pháp giảm tốc độ qua các trường học. Trong đó, khu vực trường học đường đôi, có dải phân cách, cho phép tốc độ tối đa 40km/giờ; đường hai chiều, không có dải phân cách 30km/giờ, giảm 20km/giờ so với trước.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn