Kiến nghị sửa nhiều quy định "nóng" liên quan đăng kiểm ngay trong tháng 3

Thứ năm - 16/03/2023 22:58
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa Thông tư 16 theo trình tự, thủ tục rút gọn, ban hành trong tháng 3.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa Thông tư 16 theo trình tự, thủ tục rút gọn, ban hành trong tháng 3.

Sửa Thông tư 16, ban hành trong tháng 3/2023

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian ban hành trong tháng 3/2023.

img bgt 2021 257c686caf3bb477d6fd25586db510ad 11678960048 width1280height720

Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Thông tư 16 theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 3/2023

Bộ GTVT cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe cáo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay, Bộ GTVT đã khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về kiểm định xe cơ giới, cập nhật kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tình hình thực tế ùn tắc trong công tác kiểm định xe cơ giới hiện nay và thấy rằng cần điều chỉnh một số quy định trong Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Để quy định nhanh chóng đi vào thực tế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết “Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”.

Ngày 08/3/2023, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TTBGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ngày 10/3/2023, Bộ Tư pháp có Công văn thống nhất với việc cần sớm sửa đổi quy định hiện hành để miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới và đề nghị Bộ GTVT bổ sung giải trình rõ hơn về nội dung dự kiến điều chỉnh khác trong dự thảo Thông tư. Về ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT đã tiếp thu, thuyết minh làm rõ sự cần thiết của việc điều chỉnh.

Thực hiện khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo giải quyết vấn đề cấp cách phát sinh trong thực tiễn hiện nay (Thời gian ban hành trong tháng 3/2023).

img bgt 2021 f218669e84781a08138d1de5675eb5bd 11678960079 width1280height720

Có 2 nội dung chính được sửa đổi trong dự thảo Thông tư 16 gồm: Miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng và Điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông

Sẽ sửa những gì ở Thông tư 16?

Theo Bộ GTVT, các nội dung chính dự kiến sửa đổi trong dự thảo Thông tư 16 gồm: Miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định) và Điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.

Việc sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.

Liên quan đến việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định xe cơ giới, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, đề xuất này là cần thiết và khả thi, phù hợp với xu hướng chất lượng xe cơ giới đang ngày một được nâng cao hiện nay.

Ngoài ra, ông Tạo cũng lưu ý cần xem xét để có được sự điều chỉnh hợp lý, có thể bỏ chu kỳ kiểm định dưới 1 năm với các loại xe thay vào đó, các xe đi kiểm định muốn đạt và được cấp giấy chứng nhận phải được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa, đối với những xe đã sử dụng lâu, cần thiết phải thay thế phụ tùng, người dân cần thực hiện để đạt được đăng kiểm, kiên quyết từ chối các xe không đạt.

"Lấy hàng rào kỹ thuật để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện cũng như an toàn cho người tham gia giao thông, đồng thời, loại bỏ những xe cũ nát không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường", ông Tạo nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng ủng hộ việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định ô tô hiện nay để phù hợp với xu thế của thế giới. Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô đều rất quan tâm đến chất lượng phương tiện, đặc biệt những trang bị an toàn, hệ thống kỹ thuật. Chất lượng ô tô ngày càng được nâng cao trong khi kinh tế - xã hội phát triển, việc quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của người dân cũng tăng lên, do đó, việc điều chỉnh chu kỳ theo hướng giãn ra là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng lưu ý cần tính toán hợp lý khi điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với các xe kinh doanh vận tải bởi các phương tiện này hoạt động với cường độ cao, tần suất lớn và ít được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa hơn so với các xe gia đình.

Yến Chi

Nguồn tin: www.baogiaothong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây