Tổng kết đánh giá kết quả dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” sau hơn 5 năm triển khai thực hiện.

Thứ ba - 31/10/2023 21:27
Chiều 30-10, tại TP. Pleiku, Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIPF) phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức đánh giá kết quả dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” sau hơn 5 năm triển khai thực hiện. Đến dự có đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND TP. Pleiku; Quỹ Botnar, AIPF, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu cùng với Ban giám hiệu của 46 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở tham gia dự án trên địa bàn thành phố Pleiku.
Chiều 30-10, tại TP. Pleiku, Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức đánh giá kết quả dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” sau hơn 5 năm triển khai thực hiện. Đến dự có đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND TP. Pleiku; Quỹ Botnar, AIP, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu cùng với Ban giám hiệu của 46 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở tham gia dự án trên địa bàn thành phố Pleiku.

Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Botnar (Quỹ thiện nguyện của Thụy Sĩ), Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu và Quỹ Liên đoàn Ô tô quốc tế tài trợ nhằm hướng tới cải thiện sự an toàn của học sinh trên đường tới trường. Sau 5 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đã mang đến lợi ích trực tiếp cho hơn 130 nghìn người và hơn 16 triệu người hưởng lợi gián tiếp. Dự án khuyến khích các em học sinh và gia đình sử dụng phương tiện giao thông bền vững, hướng tới phát triển thành phố xanh, sạch, lành mạnh. 
z4837214938553 e2dfcfb993b46eb93193490001745ecd
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Giai đoạn 1 của Dự án bắt đầu từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2020, Ban ATGT tỉnh và Quỹ AIP phối hợp triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ). Giai đoạn 2 của Dự án được thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2022 tại 29 trường tiểu học ở TP. Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh). Đến nay, dự án đã mở rộng quy mô cải tạo cho 32 trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku, trong đó 71% số trường được chứng nhận 5 sao theo công cụ đánh giá xếp hạng sao trường học do Chương trình đánh giá Đường bộ quốc tế (iRAP) phát triển.

Một trong những thành quả nổi bật của Dự án là việc UBND tỉnh Gia Lai ban hành văn bản quy định về tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30km/h đối với đường có hai làn xe và 40km/h đối với đường đôi. UBND TP. Pleiku đã ban hành định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” áp dụng cho các trường học và các trường hiện đang được cải tạo để mang đến sự an toàn hơn cho học sinh khi đến trường và tan học, và hiện đã hoàn thành cải tạo khu vực trường học của 15 trường. Đây cũng là tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành giao thông của phụ huynh, học sinh và cộng đồng về ATGT, giảm tốc độ tại khu vực trường học, UBND TP. Pleiku còn áp dụng thí điểm giáo trình điện tử về ATGT, nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT trong trường học, đặc biệt là khu vực trường học an toàn; đưa Cẩm nang mô hình trường học an toàn do Quỹ AIP biên soạn vào các tiết học ngoại khóa.

Theo ông Kim Beng Lua-Cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu: “Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đạt được sự công nhận toàn cầu khi giải quyết các thách thức về ATGT đường bộ tại TP. Pleiku thông qua việc cải tạo an toàn khu vực trường học. Đồng thời, khuyến khích giao thông bền vững và ủng hộ sự đóng góp đầy ý nghĩa của thanh-thiếu niên. Điểm quan trọng là các mô hình được thực hiện ở TP. Pleiku có thể được nhân rộng trên cả nước cũng như toàn cầu nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em nói riêng và trên thế giới nói chung”.

Bà Trịnh Thu Hà – Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Uỷ ban đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án này. Dự án mang lại hiệu quả thiết thực và truyền tải thông điệp ý nghĩa. Việc xây dựng môi trường an toàn quanh phạm vi trường học giúp giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi tai nạn giao thông xảy ra, đồng thời giúp trẻ sớm hình thành ý thức về an toàn giao thông.

 Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh khẳng định: Dự án đã góp phần giảm tai nạn giao thông tại khu vực trường học, thông qua các mục tiêu cụ thể, trọng tâm là cải tạo hạ tầng đường bộ ở khu vực 32 trường tiểu học để nâng cao điều kiện an toàn khu vực trường học; ban hành quy định giảm tốc độ và mô hình “Khu vực trường học an toàn” trên địa bàn TP. Pleiku; tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm tốc độ; thúc đẩy phương thức tham gia giao thông tích cực thông qua chiến dịch đi xe đạp đến trường cho học sinh THPT. “Từ kết quả tích cực của dự án, chúng tôi rất mong được tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và ý kiến đóng góp để tiếp tục triển khai, nhân rộng.
 
z4837214940199 85c3d1260d3caa34353b8f9805f9313f
Ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Dịp này, Ban An toàn giao thông tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho Quỹ Botnar, Quỹ Liên đoàn Ô tô quốc tế, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2018-2023 tại tỉnh Gia Lai; UBND TP. Pleiku tặng giấy khen cho Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á đã có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình dự án./.

Tác giả: Ban ATGT Gia Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây